Cuộc đời này bắt buộc phải trải qua 4 giai đoạn nhưng nhiều người cứ mãi mắc kẹt ở giai đoạn thứ 2 - Blog XuongVietNam - Cộng đồng Xưởng Việt Nam

Header Ads

Cuộc đời này bắt buộc phải trải qua 4 giai đoạn nhưng nhiều người cứ mãi mắc kẹt ở giai đoạn thứ 2

Muốn có cuộc sống viên mãn con người cần trải qua 4 giai đoạn tất yếu. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm tất cả. Ở bất cứ giai đoạn nào, chúng ta đều bị ám ảnh bởi một cảm giác, đó là cảm giác “không bao giờ là đủ”. Và chính cái cảm giác này đã khiến nhiều người mãi bị mắc kẹt tại một giai đoạn nào đó mà không thể bước tiếp.


Giai đoạn 1: Bắt chước - Trở thành “bản sao” của ai đó
Đây là giai đoạn đầu tiên mà ai cũng từng trải qua.
Nhờ có giai đoạn này mà chúng ta học được cách sinh sống, tồn tại và tự điều khiển bản thân sau này. Ai trong chúng ta cũng đều trưởng thành bằng cách quan sát và bắt chước những hành động của những người ở xung quanh.
Giai đoạn số 1 bắt đầu khi chúng ta chỉ là những đứa trẻ non nớt, yếu đuối.
Đầu tiên, chúng ta sẽ học đi và học nói, sau đó hình thành kỹ năng giao tiếp xã hội theo đúng như cách mà chúng ta thấy người khác làm. Dần dần, chúng ta tiếp thu những chuẩn mực xã hội và cố gắng điều chỉnh hành động của bản thân cho phù hợp với những chuẩn mực ở thời điểm đó.
Trong suốt giai đoạn này, những người đã trưởng thành sẽ được coi như là "hình mẫu" để chúng ta - những đứa trẻ noi theo và học cách lớn lên, có thể độc lập và tự ra quyết định. Thế nhưng, đâu phải tất cả những "hình mẫu" xung quanh đều là tốt đẹp. Bây giờ, bạn nên đặt một câu hỏi rằng: “Thay vì ủng hộ chúng ta, thực ra họ đàn áp chúng ta vì sự cá nhân hóa của chính bản thân họ?”
Kết quả là chúng ta sẽ không bao giờ học được cách làm chủ bản thân mà sẽ vĩnh viễn tồn tại và bắt chước theo những hành động của mọi người xung quanh để tránh bị đánh giá.
Thông thường giai đoạn đầu tiên này sẽ kéo dài đến hết thời niên thiếu. Một số người sẽ mắc kẹt trong giai đoạn này mãi sau khi họ đã trưởng thành, thậm chí có người phải đến những năm trung niên mới nhận ra họ chưa bao giờ thực sự sống cho bản thân mà chỉ sống vì cái nhìn của người khác.
Như vậy, với giai đoạn đầu tiên giống như một cuộc kiếm tìm sự thừa nhận mà không hề tồn tại suy nghĩ về giá trị cá nhân. Chúng ta sống theo chuẩn mực và mong muốn của xã hội; nhưng đồng thời phải đủ mạnh mẽ để hành động đi ngược lại với những chuẩn mực đó khi cần thiết. Kết quả tốt của giai đoạn này chính là hình thành được chủ kiến và những hành động vì chính bản thân. “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”.

Giai đoạn 2: Khám phá bản thân
Ở giai đoạn 1, chúng ta học để hòa nhập như một thực thể trong xã hội này. Sang đến giai đoạn này, chúng ta sẽ biết được điều gì khiến chúng ta trở nên khác biệt. Những ai bước sang giai đoạn 2 hầu hết đã có thể tự đưa ra quyết định, hiểu rõ về bản thân và chấp nhận khó khăn để nhận ra điểm khác biệt.
Đây là giai đoạn của những thử thách, thất bại và trải nghiệm. Chúng ta có thể chuyển đến một nơi ở mới, quen biết với nhiều người, đi du lịch qua nhiều quốc gia... Những hành động, thử thách điên rồ nhất đều nằm trong giai đoạn này và mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng biệt, chẳng ai giống ai cả.
Giai đoạn 2 là cả một quá trình khám phá bản thân. Với một số người, quá trình này diễn ra suôn sẻ, họ sẽ giữ lại cho bản thân những điểm tốt đẹp và tiếp tục bước sang giai đoạn tiếp theo.
Dấu hiệu cho thấy bạn đã vượt qua giai đoạn 2 là khi bạn nhận thức được giới hạn của bản thân và dám đối mặt với nó. Một số người sẽ cảm thấy khó để chấp nhận nhưng mà trên thực tế, nhận thức được giới hạn của mình ở đâu là một điều vô cùng có ích.
Ngoài ra, cuối giai đoạn này, chúng ta còn nhận ra một số thứ mà lúc đầu thấy rất hấp dẫn rồi sau đó vài năm thì cứ giảm dần đi, ví dụ như việc đi du lịch vòng quanh thế giới, hẹn hò với cả đống người, tiệc tùng vào mỗi cuối tuần... và còn nhiều việc khác nữa.
Những giới hạn này rất quan trọng vì nó khiến chúng ta thức tỉnh và nhận ra cuộc sống có hạn và do đó nên dành cho những thứ quan trọng. Bạn có thể làm điều gì đó không có nghĩa là bạn nên làm điều đó, hay chỉ do bạn thích nhiều người không có nghĩa bạn nên ở với tất cả bọn họ. Mọi thứ đều đi kèm với chi phí cơ hội, có cái này thì mất cái kia và không ai có thể có hết tất cả được.
Với một số người, những giới hạn này không tồn tại hay nói cách khác, họ không cho phép bản thân thừa nhận thất bại. Những người này sẽ mãi mãi mắc kẹt ở giai đoạn 2.
Đó có thể là những "nhà khởi nghiệp" đã 38 tuổi mà vẫn sống cùng mẹ, trắng tay sau 15 năm cố gắng nhưng không được gì. Là những diễn viên "đang lên" chờ thời với công việc bồi bàn ở các quán ăn và chưa có buổi thử vai nào. Hoặc còn có thể là những người đi từ mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, mãi chưa ổn định do bị ám ảnh bởi suy nghĩ vẫn còn có ai đó tốt hơn đang chờ đợi…
Đây đều là những con người cố tình quên đi thất bại và coi bản thân là vô địch, không giới hạn và có thể vượt qua tất cả. Họ luôn cho rằng, cuộc sống của họ không ngừng phát triển trong khi mọi người đều thấy rất rõ ràng là họ chỉ đang giậm chân tại chỗ.

Giai đoạn 3: Ổn định
Sau khi đã chạm tới giới hạn, tìm ra điểm dừng ở đâu hoặc cảm thấy mất hứng thú với một số việc nhất định, bạn sẽ nhận ra điều thực sự quan trọng với bạn và việc bạn có thể làm tạm ổn là gì.
Bấy giờ chính là lúc xây dựng chỗ đứng cho riêng mình với Giai đoạn 3.
Giai đoạn 3 là giai đoạn vững chắc nhất trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta học cách nhân đôi những thứ gì chúng ta làm tốt nhất và những gì tốt nhất cho chúng ta. Đây còn là lúc chúng ta hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất đã nhận ra ở Giai đoạn 2. Những thứ gì tồi tệ hay có ảnh hưởng tiêu cực sẽ bị bạn xóa sạch khi sang đến giai đoạn này.
Sau này, khi ra đi bạn sẽ để lại thứ gì? Những người xung quanh sẽ nhớ về bạn như thế nào? Giai đoạn 3 cho phép bạn tạo nên giá trị riêng của bản thân và kết thúc khi hai điều sau đồng thời xảy ra: 1) bạn cảm thấy đã đạt được đủ thành tựu và 2) bạn cảm thấy già và muốn ngồi một chỗ nghỉ ngơi hơn là lao ra bên ngoài kia.

Giai đoạn 4: Di sản
Những người đi đến giai đoạn 4 này đều đã dành cả đời để theo đuổi những gì họ coi là quan trọng và có ý nghĩa. Họ đã làm được những điều vĩ đại, lao động chăm chỉ, có được tất cả những gì họ muốn và giờ là lúc họ nghỉ ngơi. Họ đã đến độ tuổi không cho phép họ thực hiện tham vọng xa hơn nữa.
Mục đích của giai đoạn 4 này không phải là tạo ra di sản mà làm sao để di sản đó còn tồn tại ngay cả khi người đó không còn nữa. Những hành động rất giản đơn như đưa ra lời khuyên với con cháu, tham gia vào nhóm hỗ trợ cộng đồng để bảo tồn các giá trị đã cũ trong xã hội mới này… đều là những biểu hiện của giai đoạn 4.
Con người ai cũng mong muốn cuộc sống của mình mang ý nghĩa nào đó. Đây có thể coi là tấm khiên tâm lý bảo vệ chúng ta khỏi sự khó hiểu của cuộc sống và thực tế không thể nào tránh khỏi cái chết.
Chúng ta sẽ điều khiển bản thân tốt hơn theo từng giai đoạn của cuộc sống.
Nếu như, ở giai đoạn 1, một cá nhân hoàn toàn dựa vào hành động và ý kiến của người khác để cảm thấy vui vẻ. Đây chẳng phải là một điều tốt đẹp gì vì suy nghĩ của những người xung quanh đều khó mà đoán trước được và không đáng tin cậy chút nào. Thì sang đến giai đoạn 2, cá nhân đó dựa vào bản thân, tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại cảnh - tiền bạc, danh dự, chiến thắng, chinh phục để cảm thấy hạnh phúc. Những yếu tố này thì dễ điều khiển hơn nhưng về lâu dài vẫn mang tính khó đoán.

Giai đoạn 3 là thời điểm của những mối quan hệ vững chắc và nỗ lực đã qua kiểm chứng ở giai đoạn 2. Thường thì những điều này đáng tin hơn rất nhiều. Và cuối cùng, giai đoạn 4 là khi cá nhân đó giữ lại những thành tựu đã đạt được.
Mâu thuẫn giữa các giai đoạn có tồn tại không?
Sự thật là những giai đoạn sau sẽ không hoàn toàn thay thế giai đoạn trước; chúng chỉ kế thừa những gì có được từ giai đoạn trước và phát triển trên nền tảng đã có trước đó. Ví dụ, người đang ở giai đoạn 2 vẫn quan tâm đến ý kiến xung quanh, chỉ là họ có thêm những thứ mà họ quan tâm nhiều hơn. Hay người ở giai đoạn 3 vẫn thích thử thách giới hạn của bản thân nhưng sẽ chú ý hơn tới những cam kết mà họ đang có.
Mỗi giai đoạn giống như một cuộc sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên trong cuộc đời mỗi người. Chính vì thế, cứ sau mỗi giai đoạn, con người sẽ trải qua một cuộc thay đổi, cải tổ chính bản thân cũng như các mối quan hệ. Khi bạn bước tiếp sang giai đoạn 3 trong khi mọi người vẫn ở giai đoạn 2 thì chắc chắn sự bất đồng về quan điểm và lối sống sẽ xuất hiện.

Thông thường, chúng ta sẽ đánh giá mọi người xung quanh đúng theo như những tiêu chuẩn của giai đoạn mà chúng ta đang trải nghiệm. Người ở giai đoạn 1 sẽ quan tâm đến ảnh hưởng xã hội của bất cứ ai mà họ gặp; hay người trong giai đoạn 2 sẽ hâm mộ bất cứ ai có thể phát huy hết tiềm năng bản thân, vươn tới đỉnh cao. Đồng dạng, người ở giai đoạn 3 sẽ đánh giá một cá nhân dựa trên những gì họ đang có và ở giai đoạn 4 thì sẽ nhìn một người theo sự lựa chọn của người ta.
Dấu hiệu bước sang giai đoạn mới
Sự thật là việc chuyển đổi giữa các giai đoạn cuộc đời thường xảy đến kèm với nỗi đau, tổn thương hoặc những sự kiện mang tính tiêu cực. Đó có thể là một trải nghiệm sinh tử, ly hôn, tình bạn đổ vỡ hay sự ra đi của một người thân thiết.
Trước những tổn thương như vậy chúng ta có xu hướng thu mình và nhìn lại những giá trị mà trước đó đang theo đuổi. Nó cho chúng ta cơ hội đánh giá xem niềm hạnh phúc bản thân đang theo đuổi có đáng giá nữa không.
Ở bất cứ giai đoạn nào, chúng ta đều bị ám ảnh bởi một cảm giác, đó là cảm giác “không bao giờ là đủ”. Hầu hết chúng ta đều phải chống chọi với cảm giác này dù đang trong bất cứ giai đoạn nào.
Một người mắc kẹt ở giai đoạn 1 vì họ luôn cảm thấy không được tốt đẹp và giống với những người xung quanh. Do đó, họ cố gắng để trở nên giống, nhưng dù có nỗ lực bao nhiêu thì có thể sẽ chẳng bao giờ họ thấy đủ.
Giai đoạn 2 đem đến một nỗi lo khác cho con người, đó là cảm giác họ phải làm thêm, làm tốt hơn, làm những gì mới và thú vị, phát triển lên một tầm cao mới. Dĩ nhiên, dù có lên cao đến bao nhiêu thì cũng sẽ chẳng bao giờ thấy thỏa mãn.
Sang đến giai đoạn 3, người ta có xu hướng mắc kẹt với suy nghĩ chẳng làm được gì ý nghĩa cho cuộc đời hay trong công việc, lĩnh vực hoạt động. Và có nỗ lực hơn nữa thì cũng không thấy đủ.
Ở giai đoạn cuối cùng tưởng chừng như đã thỏa mãn với những di sản để lại cho đời sau, tuy nhiên trên thực tế, nỗi ám ảnh về việc chưa bao giờ là đủ cũng sẽ luôn luôn thường trực trong tâm trí của bất cứ ai đang trong giai đoạn này.
Vậy làm sao để vượt qua cảm giác không bao giờ đủ tốt? Câu trả lời là hãy chấp nhận sự thật đi. Để đi qua giai đoạn 1, chúng ta cần học cách chấp nhận rằng, không bao giờ có thể hoàn toàn giống một ai đó và trở nên khác biệt là điều bắt buộc. Để vượt qua giai đoạn 2, chúng ta nên hiểu rõ bản thân sẽ không bao giờ đạt được tất cả mọi mong muốn mà chỉ chọn ra những thứ thực sự quan trọng. Tương tự, giai đoạn 3 sẽ kết thúc với sự chấp nhận rằng, thời gian và sức lực là có hạn và chỉ nên tập trung vào những gì cần thiết cũng như chuẩn bị để truyền lại những gì đã gây dựng được cho thế hệ sau. Và giai đoạn 4 sẽ chỉ được hoàn thành khi bạn thừa nhận tất cả sự vĩ đại, quyền lực, ý nghĩa sớm muộn gì cũng sẽ tan biến theo dòng thời gian.
Và cuộc đời vẫn sẽ cứ thế mà tiếp tục!

Nguồn: cafebiz

Không có nhận xét nào