Giáo sư Trường Kinh tế London: Chiến tranh thương mại chỉ khiến Trung Quốc mạnh mẽ hơn - Blog XuongVietNam - Cộng đồng Xưởng Việt Nam

Header Ads

Giáo sư Trường Kinh tế London: Chiến tranh thương mại chỉ khiến Trung Quốc mạnh mẽ hơn

Bà Keyu Jin - Giáo sư tại Trường Kinh tế London chuyên về kinh tế Trung Quốc cho rằng: "Việc cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra sự suy giảm trong sản xuất tại Mỹ là sai lầm. Nguyên nhân chính của mất việc làm là tiến bộ công nghệ - không phải do Trung Quốc".

Tổng thống Donald Trump luôn lo ngại rằng Trung Quốc đang chiếm quá nhiều việc làm đáng lẽ sẽ ở Hoa Kỳ, cũng như lo lắng về việc bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ. Năm 2018, ông đã áp một khoản thuế nhập khẩu trị giá 250 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đáp trả bằng một khoản thuế 110 tỷ USD vào hàng Mỹ. Hoa Kỳ cũng đã đe dọa sẽ chạy đua cho cuộc chiến này bằng cách tăng thuế suất đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc từ 10% lên 25% (tương đương tăng 200 tỷ USD).
Nhưng thực tế thì chiến tranh thương mại dưới góc nhìn của phía Trung Quốc ra sao?
Mỹ lo ngại những gì về Trung Quốc?
Có nhiều khía cạnh được phía Mỹ quan tâm. Một là thâm hụt thương mại giữa hai nước nghiêm trọng ra sao? Liệu lao động Trung Quốc có thực sự thay thế công việc sản xuất ở Mỹ hay không? Và liệu có nên chuyển giao công nghệ cho các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc hay không, vì quyền sở hữu trí tuệ là điều mà Mỹ lo ngại.
Sự thật là trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc sản xuất công nghiệp, dựa trên việc xuất khẩu. Người tiêu dùng Mỹ được hưởng lợi từ hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, cho dù là đồ chơi, quần áo, giày thể thao hay đồ nội thất. Mối quan tâm chính là, nếu Trung Quốc sản xuất mọi thứ, thì liệu nó có lấy đi việc làm từ Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác hay không?
"Tuy nhiên, việc cho rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra sự suy giảm trong sản xuất tại Mỹ là sai lầm. Nguyên nhân chính của mất việc làm là do tiến bộ công nghệ - không phải do Trung Quốc" – Bà Keyu cho biết.
Một mối quan tâm khác là nếu Trung Quốc không nhập khẩu nhiều hơn từ các quốc gia khác, làm thế nào để thế giới có thể bán vào thị trường nội địa của họ để kiếm nhiều tiền? Mỹ và nhiều chính phủ khác đang yêu cầu Trung Quốc phải nhập khẩu nhiều hơn nữa, để mua hàng hóa của họ.
Điều mọi người đã không nhận ra là sau nhiều thập kỷ luôn ở trong tình trạng thặng dư thương mại, Trung Quốc đã nhập siêu từ nửa đầu năm 2018. Nhìn chung, Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu nhiều hơn từ phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, thương mại song phương với Mỹ đúng là có thặng dư về phía Trung Quốc, kể cả sau khi có thuế nhập khẩu của ông Trump.
Mâu thuẫn về sở hữu trí tuệ
Trong một thời gian dài, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài- đây là điều hiển nhiên các nước đang phát triển. Nhưng bây giờ, ngay cả khi đã trở thành cường quốc kinh tế, Hoa Kỳ và các quốc gia khác vẫn luôn lo ngại về việc vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc.
Thế giới vẫn nghĩ người Trung Quốc chỉ giỏi sao chép, đó là sai lầm, người Trung Quốc cũng rất sáng tạo. Trong lĩnh vực công nghệ, thanh toán trực tuyến và trí tuệ nhân tạo, cũng như trong khoa học và công nghệ cơ bản, Trung Quốc đang thể hiện năng lực cải cách rất lớn.
Mỹ cho rằng Trung Quốc đang bắt buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho họ. Điều đó có nghĩa là, để một công ty Mỹ vào Trung Quốc hoặc thành lập liên doanh với đối tác địa phương Trung Quốc, họ sẽ phải chia sẻ công nghệ cốt lõi của mình. Đó là một tâm điểm trong những căng thẳng giữa hai bên, nhưng thực tế có thật sự như vậy?
Các khảo sát gần đây cho thấy các công ty Mỹ tại Trung Quốc hầu như không cảm thấy áp lực đòi hỏi công nghệ từ phía Trung Quốc, một số đã tuyên bố rằng các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản muốn mua lại công nghệ.
Trung Quốc đã tạo ra một đạo luật trong hiến pháp cấm bắt buộc chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài, và đó là một bước tiến lớn.
Mỹ có được lợi? Trung Quốc có bị thiệt?
Đối với Trung Quốc, mục tiêu quan trọng nhất là tránh đối đầu trực diện Mỹ. Đây là lý do cho nhiều sự nhượng bộ của Trung Quốc trong các điều khoản thương mại. Trung Quốc đã đồng ý bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn, nhập khẩu thêm hàng hóa từ Mỹ và cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc.
Ở Trung Quốc, sự thù địch với Mỹ đã khơi dậy chủ nghĩa dân tộc. Và ai cũng biết tinh thần dân tộc Trung Hoa không hề đơn giản. Trong khi trước đây, những người trẻ Trung Quốc học tập phương Tây và đặc biệt là Hoa Kỳ, thì cuộc chiến này đã khiến họ ngày càng giữ khoảng cách.
Bà Keyu tin rằng các chính sách Nhà Trắng đưa ra thực tế sẽ không làm cho họ được lợi hơn. Nhu cầu thương mại mạnh mẽ đang thúc đẩy Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn, tự đẩy mạnh kinh tế trong nước, tự nâng cao công nghệ và tự cải cách. Thực tế là cuộc chiến này đang khiến Trung Quốc mạnh mẽ hơn.
Ai mới là người tổn thương trong cuộc chiến?
Điểm đặc trưng của thương mại quốc tế ngày nay là chuỗi cung ứng toàn cầu. Một chiếc iPhone của Apple chứa nhiều bộ phận, từ Nhật Bản và Hàn Quốc, với các tính năng sáng tạo từ Mỹ, và thực hiện bởi công nhân Trung Quốc. Lao động Trung Quốc chỉ đơn giản là lắp ráp chúng lại với nhau. Khi một chiếc iPhone được xuất khẩu sang Mỹ, thực tế, có rất ít giá trị gia tăng đến từ Trung Quốc. Apple mới thực sự là phía sẽ thu về lợi nhuận, mặc dù số liệu thống kê thương mại truyền thống thì không phản ánh được điều đó.
Khi chiến tranh thương mại xảy ra, Trung Quốc giảm đáng kể nhập khẩu đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp, cũng có khả năng hủy hợp đồng với các nhà sản xuất máy bay. Lợi nhuận của Apple gần đây cũng đã giảm, tất nhiên không thể nói là không liên quan đến căng thẳng thương mại.
Chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến nhiều quốc gia và nhiều bên, không chỉ Mỹ hay Trung Quốc. Khi có sự gián đoạn, cả chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng. Thật khó để nói bên nào, Mỹ hay Trung Quốc, là bên tổn thương nhiều hơn.
Cả hai bên sẽ bị tổn thương, tất nhiên, và phần còn lại của thế giới cũng sẽ trở thành nạn nhân. Tác động gián tiếp của cuộc chiến thương mại có ý nghĩa lớn hơn nhiều, khi chúng ta chứng kiến ​​thị trường quốc tế phản ứng với rủi ro.
Liệu cuộc chiến có kết thúc?
Trung Quốc sẽ có những nhượng bộ nhất định trong thương mại. Họ muốn có một thỏa thuận để giải quyết các tranh chấp ngắn hạn. Nhưng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một vấn đề dài hạn. Nó sẽ là về công nghệ Trung Quốc, rộng hơn là tham vọng của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tạo ra một mô hình phát triển mới, khác với mô hình kinh tế dân chủ mà chúng ta từng biết. Bất chấp những vấn đề dài hạn này, Trung Quốc muốn sự hòa giải ngắn hạn – thứ sẽ có lợi cho cả hai bên Trung Quốc và Hoa Kỳ, cũng như phần còn lại của thế giới
Một góc độ khác là Trung Quốc cũng muốn kéo dài thời gian, thông qua việc đàm phán thương mại, để củng cố nền kinh tế của chính mình. Miễn là các cuộc thảo luận chỉ là về thương mại, thay vì các vấn đề nghiêm trọng hơn, thì chính phủ Trung Quốc không e ngại.


Nguồn: cafebiz

Không có nhận xét nào