DỰ BÁO CHO NĂM 2019 CỦA NGÀNH B2C VÀ B2B
Dự báo này viết trên kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân của tôi, nó có thể đúng, có thể sai, nhưng vẫn là việc nên làm. Vì đơn giản là sau một năm nhìn lại sau khi có những dự báo này, chúng ta sẽ có những điều chỉnh cho chính mình phù hợp hơn.
1 Đa số các chủ doanh nghiệp SME (Small and Medium Enterprises - doanh nghiệp vừa và nhỏ) vẫn bị rối giữa phân việc cho sales và marketing. Marketing vẫn sẽ khó ép làm theo ý họ và khó hơn cả là bắt cho đội đó ngồi cùng và hợp tác cùng nhau, giống như khi bắt sales làm việc cùng bộ phận kế toán. Ngoài ra, họ cũng sẽ chưa thể kiểm soát được toàn bộ hệ thống danh sách khách hàng của họ, cả khách trung gian và người tiêu dùng và do vậy rất dễ mất lực lượng bán hàng do sales ra mở công ty kinh doanh mặt hàng tương tự! Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết nếu chủ doanh nghiệp thực sự quyết tâm và bằng mọi giá tiến hành các biện pháp quản lý danh sách “tài sản của họ” – theo cách gọi của ngài Peter Drucker
2 Việc bao phủ thị trường dùng chủ yếu động cơ chạy bằng cơm vẫn là xu hướng chính tại các công ty đang dùng đội ngũ đó. Nó được kết hợp thêm với một số hành vi chạy marketing online, chứ chả bị ảnh hưởng bởi 4.0 hay big data gì ráo! Vì đó là câu chuyện của những công ty lớn hơn họ có nguồn lực khủng khiếp hơn họ nhiều lần! Mà cũng chả cần phải dùng tới những cái to tát ấy họ mới quản lý nổi công ty nhỏ của họ. Quan trọng là họ cần phải hiểu và nhận ra rõ ràng các nền tảng mà họ cần kiểm soát và làm chủ!
3 Các phần mềm quản lý bán hàng, CRM, ERP từ đắt tới rẻ vẫn được dùng ầm ầm, đăng ký ầm ầm, và tác dụng thì vẫn vậy không được khai thác quá 60% năng lực của nó. Một phần nguyên nhân là do chính quy trình của các công ty SME chưa rõ ràng để mà vận dụng hết công suất của chúng. Sếp thì hay ôm đồm do vẫn chưa kiếm được người tin cậy hoặc không tin nhân viên đủ đẻ mà giao việc. Đó là chưa kể, chính thái độ của sales gây ra điều này, khi được sếp hỏi, họ vẫn nói “Có gì chị xem giúp em cái báo cáo em gửi qua CRM, đủ hết rồi đó ạ!”. Họ cần nhận ra, càng phụ thuộc vào phần mềm họ càng không thể chấn chỉnh những gì vốn dĩ họ đang làm rất dở một cách trực tiếp.
4 Sales vẫn khó tuyển dù có dễ hơn tý, nhân sự có kinh nghiệm từ Grab chạy sang sẽ đông hơn. Vì quê ta vẫn quen cứ đâu nổi lên thì xông vào, lúc nó xuống tý do đông người tham gia thì ngãng ra, trong mọi mảng đều thế, từ nông nghiệp, công nghiệp tới …làm đẹp! Không chỉ có vậy, một số xe ôm công nghệ đã bắt đầu nhận ra đó không phải là một nghề làm cả đời được. Vì nó đi kèm một loạt chi phí và rủi ro không tính toán được! Từ thời tập với sư phụ tôi ở Thanh Xuân cách đây cả 20 năm, tôi đã thấy có cả loạt trường hợp xe ôm phải qua thầy tôi chữa trị bệnh di tinh và mộng tinh do xương cụt tì cả ngày lên yên xe!
5 Nhân sự tốt nghiệp đại học thì vẫn tăng lên nhưng không vì thế mà có nhiều nhân sự làm sales hơn. Các em giữ nguyên quan điểm ghét “đi làm mà vất vả”! Ngoài ra, các em còn có một “very good excuse” (lý do để thoái thác vô cùng hợp lý) là “con đang làm start up, không phải chuyện đùa! Và không thể thấy kết quả ngay được!”
6 Bán hàng từ TQ về vẫn là một xu hướng tất yếu và khéo còn rộn rã hơn mọi năm, nhất là khi anh họ tôi Đỗ Nam Trump đang siết chặt vòng vây từ mọi hướng. Do không còn thị trường hay đúng hơn là do phải chịu thuế cao hơn nên hàng TQ sẽ đổ về VN ùn ùn. Mà gần Tết là cũng thấy bắt đầu rồi khi nhà cháu mới thử đặt hàng qua taobao.com, còn chưa hỏi han, yêu cầu gì đã thấy được giảm giá mấy cả khuyến mại 1 tặng 1 cho mấy cái hàng trước đây khá giữ giá!
7 Bán hàng online cho sản phẩm hữu hình vốn đang được phân phối kiểu offline thì ngày càng khó với anh em tay mơ không có kiến thức và kỹ năng nền tảng. Vì đơn giản là số lượng tham gia quá đông nên tác động của quảng cáo giảm xuống dần. Còn người có đủ trình về các platform đó thì vẫn sống ngon nhưng phải mở rộng ra các nền tảng khác chứ không chỉ riêng tập trung vào facebook.
8 Ngược lại, một số hàng đang phân phối rất ổn offline khi chuyển sang online sẽ gặp vô số vấn đề. Và đầu tiên là ở vụ không thể khống chế được giá bán ra do tập quán “hàng dẫn, hàng lời” và kiểu quảng cáo giảm giá vô tội vạ, thậm chí là trộn cả hàng đểu vào để câu khách của môi trường bán online. Điều này đang thấy rõ nhất trong phân phối mỹ phẩm, đặc biệt là mỹ phẩm dạng thiên nhiên và chưa có độ bao phủ thông tin đủ rộng!
*Nguồn: Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt
Post a Comment